Toàn cảnh phiên thảo luận Tại phiên thảo luận thứ 3, bà Ivana Belcakova – Tham tán Slovakia điều hành phiên thảo luận với chủ đề “Khu kinh tế ven biển và khu kinh tế cửa khẩu: Thách thức và cơ hội phát triển”. Các diễn giả tham gia thảo luận gồm các đồng chí: Nguyễn Hữu Dũng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị; Trần Hồng Quang – Phó Viện trưởng Viện chiến lược phát triển; Ông Jorge Rondon Uzcategui – Đại sứ Vene zuela. Diễn giải tại phiên thảo luận, ông Nguyễn Hữu Dũng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đã thông báo những kết quả mà khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đạt được trong thời gian qua. Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, để các khu kinh tế cửa khẩu phát triển thì cần phải thúc đẩy thương mại xuyên biên giới, tạo điều kiện để phương tiện vận tải vận chuyển hàng hóa vào địa phận của các nước hai bên cửa khẩu; Kết nối năng lượng trên hành lang kinh tế Đông Tây; Nâng cấp quốc lộ 9 hiện đang xuống cấp; Tiếp tục cải cách hành chính... Ông Jorge Rondon Uzcategui – Đại sứ Venezuela đã chia sẻ một số kinh nghiệm trong phát triển kinh tế biển. Theo ông Jorge Rondon Uzcategui, cùng với sự phát triển của kinh tế biển thì vấn nạn ô nhiễm môi trường cũng đang là vấn đề mà tất cả chúng ta đang phải đối mặt. Hệ sinh thái ven biển đang bị ô nhiễm môi trường. Vấn đề quan trọng nhất đó là nâng cao nhận thức của con người trong cách tác động đến môi trường. Thực tế hiện nay đòi hỏi chúng ta phải quyết liệt hơn trong việc bảo vệ môi trường, thể hiện trong từng hành động và phải đưa ra các giải pháp cụ thể mang tính pháp lý và hành chính. Còn theo ông Trần Hồng Quang - Phó Viện trưởng Viện chiến lược phát triển, hiện nay các tỉnh trong khu vực Bắc Trung bộ đều đã có các khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu trong khi nguồn lực nhà nước đầu tư vào các khu kinh tế còn hạn chế, trừ một số khu kinh tế trọng điểm như Khu kinh tế Nghi Sơn, Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo... nên việc thành lập các khu kinh tế chưa đạt được những mong muốn như ban đầu. Đây được coi là một thách thức trong việc phát triển của các khu kinh tế ven biển và khu kinh tế cửa khẩu. Để các khu kinh tế ven biển và khu kinh tế cửa khẩu phát triển, ông Trần Hồng Quang đề nghị: Tập hợp các khu kinh tế có điều kiện thuận lợi để thành lập các đặc khu kinh tế; Đối với các khu kinh tế còn lại thì xây dựng hành lang thông thoáng hơn để thu hút các nhà đầu tư. Hiện nay, Việt Nam đang đàm phán các hiệp định kinh tế thì đây là cơ hội để các địa phương vùng Bắc Trung bộ thu hút các dự án đầu tư vào các khu kinh tế; Ưu tiên nguồn vốn ngân sách nhà nước để đầu tư cơ sở hạ tầng... sẽ tạo điều kiện để các khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu phát triển. “Bảo tồn giá trị văn hóa trong mối quan hệ với phát triển du lịch bền vững” là chủ đề phiên thảo luận thứ 4 trong chương trình hội nghị này. Ông Phạm Sanh Châu – Vụ trưởng Vụ Văn hóa đối ngoại UNESCO, Bộ Ngoại giao chủ trì phiên thảo luận. Các diễn giả tham dự phiên thảo luận gồm: Bà Katherine Muller Marin – Trưởng đại diện UNSECO tại Việt Nam; Ông Nguyễn Hữu Hoài – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình; Ông Đinh Khắc Đính – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế; Ông Martin Klepetko – Đại sứ Séc. Các diễn giả tham gia phiên thảo luận thứ 4 Bà Katherine Muller Marin nhận định rằng: Thu hút khách du lịch là một trong những mục tiêu không chỉ Việt Nam mà các nước trên thế giới cùng hướng tới. Tuy nhiên cần phải khẳng định rằng, để thu hút được du khách thì phải bảo vệ được các giá trị văn hóa. Vì vậy việc bảo vệ các di sản, phát huy giá trị các di sản và phát triển du lịch luôn đồng hành với nhau; Phải xây dựng cơ chế, chính sách trong phát triển du lịch gắn với vấn đề bảo tồn di sản. Ông Nguyễn Hữu Hoài - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, hiện nay lượng du khách đến Quảng Bình ngày càng tăng. Ngoài các giá trị văn hóa và cảnh quan thì Quảng Bình có di sản thiên nhiên thế giới là Phong Nha Kẻ Bàng. Để thu hút được khách du lịch, trong những năm gần đây, tỉnh Quảng Bình luôn quan tâm đến công tác quảng bá, bảo tồn và quan tâm bảo vệ đến cảnh quan của các di sản. Ông Martin Klepetko – Đại sứ Séc cho rằng: Việc phát triển du lịch đòi hỏi phải bền vững. Chúng ta cần phải cẩn trọng trong việc ứng xử đối với các di sản; Cần có kế hoạch phát triển kinh tế tổng thể các địa phương để các di sản văn hóa luôn đồng hành trong đời sống vì khói, bụi của các nhà máy sẽ ảnh hưởng đến cảnh quan của di sản thiên nhiên; Hãy tạo ra sự cảm nhận khác biệt của du khách khi đến Việt Nam. Ông Martin Klepetko đề nghị các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ cần tạo ra một chính sách du lịch chung; Phối hợp phát triển kinh tế với phát triển du lịch, đồng thời lo lắng trước tình trạng đang dần mất đi những hình ảnh nông thôn Việt Nam. Hội nghị cũng đã được nghe ông Ông Đinh Khắc Đính – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết hướng đi trong việc phát triển du lịch của Thừa Thiên Huế. Quan niệm trong phát triển du lịch của Thừa Thiên Huế đó là: Di sản - Văn hóa - Cảnh quan và môi trường; Chú trọng phát triển cả chiều rộng và chiều sâu. Đại sứ Mehyco đưa ra một số giải pháp trong phát triển du lịch Bên cạnh sự tham gia của các diễn giả, các đại sứ đã có một số giải pháp trong thu hút khách du lịch gắn với việc bảo tồn văn hóa. Đ/c Hồ Xuân Sơn – Thứ trưởng Bộ Ngoại giao bế mạc hội nghị Sau khi kết thúc phiên thảo luận thứ 4, Hội nghị “Gặp gỡ địa phương – Ngoại giao đoàn” khu vực Bắc Trung bộ đã bế mạc. Phát biểu kết luận tại phiên bế mạc, đồng chí Hồ Xuân Sơn - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoai giao đánh giá cao những kết quả mà hội nghị đã đạt được. Tại hội nghị này, 6 tỉnh vùng Bắc Trung bộ và các cơ quan đại diện nước ngoài, tổ chức quốc tế tại Việt Nam có dịp làm quen, tìm hiểu kỹ hơn thực trạng, tiềm năng và nhu cầu hợp tác của nhau. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hồ Xuân Sơn hy vọng, sau hội nghị này, các địa phương vùng Bắc Trung bộ sẽ chủ động hơn trong việc kết nối với Ngoại giao đoàn để nhận được sự hỗ trợ trong các hoạt động như xúc tiến kinh tế, mở rộng thị trường, qua đó tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác, góp phần cho sự phát triển bền vững và hội nhập quốc tế hiệu quả của vùng Bắc Trung bộ trong tương lai. Phương Thúy |